Wednesday, October 22, 2008

Định vị cá nhân - personal balanced scorecard




Không hiểu biết về cá nhân + không tự học hỏi + không suy nghĩ + không làm việc + không gặp thử thách + không có hạnh phúc + không có sự kết nối giữa hoài bão cá nhân với hành vi cá nhân và hoài bão chung = không có sự phát triển bền vững của bản thân và tổ chức. Đó là những dòng đầu tiên khi mở cuốn sách "Định vị cá nhân" của tác giả Hubert Rampersad.


Hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức hay mỗi nhóm làm việc bị tác động bởi rất nhiều yếu tố liên quan đến con người như: năng lực của người lãnh đạo, điều kiện làm việc, kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là thái độ và cảm xúc của nhân viên. Khái niệm Thẻ điểm cân bằng mới bắt đầu được nghiên cứu áp dụng từ năm 1987 tại Tập đoàn Analog Devices, tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất các thiết bị bán dẫn của Mỹ.

Tập trung vào cả hiệu quả tài chính lẫn nguồn lực con người, Thẻ điểm cân bằng hỗ trợ các nhà quản lý dẫn dắt tổ chức của mình hướng tới những lợi ích lâu dài. Công cụ này, như một hệ thống quản lý chiến lược, giúp tập trung vào các thước đo hiệu quả và cân bằng các mục tiêu tài chính với các yếu tố khách hàng, các quy trình và nhân lực.

Được coi là yếu tố quyết định sự thành bại của tổng thể, Thẻ điểm cân bằng cá nhân bao gồm bốn yếu tố chính: yếu tố nội tại (sức khỏe thể chất và tinh thần), yếu tố khách quan (mối quan hệ với những người khác), yếu tố kiến thức và việc học tập (cá kỹ năng và khả năng học hỏi, yếu tố tài chính (sự ổn định về tài chính).

Thẻ điểm cân bằng cá nhân giúp chuyển hóa những hoài bão hay tham vọng thành những mục tiêu cá nhân cụ thể và rõ ràng với những thước đo hiệu quả, với các chỉ tiêu và hành động tự hoàn thiện, tạo nên cơ sở vững chắc cho việc cân bằng giữa hoài bão và hành vi cá nhân. Từ đó, nhà quản lý mới có thể khuyến khích sự tận tụy ở nơi làm việc, thúc đẩy việc học tập, khiến mọi người cảm thấy hài lòng, đồng thời tạo ra một môi trường làm việc có những con người thông minh và sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo nên sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Thẻ điểm cân bằng lúc này đóng vai trò như một công cụ kết nối các cá thể trong tổ chức, qua đó hoài bão cá nhân được kết hợp lại thành những hoài bão chung của tổ chức.

Cuốn sách của giáo sư Hubert K. Rampersad - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hành vi tổ chức và Quản trị Kinh doanh gồm 2 phần. Phần I giới thiệu Thẻ điểm cân bằng cá nhân như một công cụ cho sự phát triển, hiệu quả cá nhân và sự trưởng thành trong cuộc sống, tập trung hoàn thiện mọi việc bạn làm và các lựa chọn để phát triển tương lai.

Phần II mô tả thẻ điểm cân bằng cá nhân với vai trò là một công cụ giúp tăng sự hài lòng, sự tận tụy trong công việc và đề cao tài năng độc đáo của nhân viên. Phần này đề cập đến việc tìm kiếm niềm vui nơi làm việc, tăng năng suất lao động, giảm tình trạng nghỉ làm để tăng lợi thế cạnh tranh cho công ty.

Thông qua phương pháp thẻ điểm cân bằng cá nhân, cuốn sách mở ra "con đường đi tới hạnh phúc, sự toàn vẹn cá nhân và hiệu quả tổ chức", giống như nhận định của GS Marshall Goldsmith, Đại học Quốc tế Alliant, Mỹ: "Định vị cá nhân là tấm bản đồ chỉ đường cho các tổ chức trong tương lai".

Tên sách: Định vị cá nhân
Tác giả: Hubert K Rampersad
Dịch giả: Trường Phú, Hồng Việt
Phát hành: NXB Lao động - Xã hội
Khổ sách: 14 x 20,5 cm
Số trang: 317
Năm xuất bản: 2008
Giá bìa: 64.000

No comments: